Tạo quan hệ trong nghề sự kiện: Không xấu như bạn nghĩ!

Tại sao các từ ngữ như “tạo quan hệ” (networking), “đi quan hệ” lại hay được khoác lên những lớp nghĩa tiêu cực và có vẻ … mờ ám trong nghề tổ chức sự kiện?

Từng có rất nhiều anh chị em trong nghề mà tôi biết cảm thấy ngại hoặc không thích tham gia các sự kiện networking. Và thực lòng, tôi cũng đã từng là một trong số những người đó. Tôi coi bản thân mình là một người hướng nội và dường như chẳng có gì sai khi cho mình là người như thế cả. Bởi thế, sự kiện networking khiến tôi không tự tin trước việc mình có thể sẽ nói ra vài điều ngớ ngẩn trước những người lạ. Thế nhưng, những gì tôi học được trong hơn 5 năm qua khi làm nghề, đó là: hãy gạt bỏ mọi nguyên tắc cao siêu về xây dựng quan hệ kinh doanh sang một bên và chỉ đơn giản là thể hiện chính con người mình trong mọi mối quan hệ.

Tôi giả định rằng tất cả mọi người làm nghề sự kiện đều say mê công việc của mình. Nếu sự kiện không phải đam mê của bạn, bạn sẽ sớm nhìn ra rất nhiều điều trong nghề này có thể khiến bạn khó chịu. Vậy nên nếu không đam mê, bạn nên tìm cách thoát khỏi nghề này càng sớm càng tốt. Còn lại, một khi đã xác định đây đúng là con đường mình chọn, hãy tích cực xây dựng các mối quan hệ và tham gia các sự kiện networking, bạn sẽ học được rất nhiều điều bổ ích và thú vị từ nghề nghiệp này.

1972452_638220962918218_2789733247684978791_n

Phá vỡ những nguyên tắc cũ trong xây dựng quan hệ kinh doanh

Tôi thường không bao giờ tham gia các buổi gặp gỡ với mục đích là sẽ tiếp cận với mọi người, rồi sau đó ra về với hàng tá card visit trên tay để dùng làm dữ liệu kinh doanh sau này. Cách tiếp cận của tôi – và cũng là những gì tôi tự nhủ với mình: networking là sự kết nối giữa những con người có chung chí hướng và học hỏi một cách tích cực những kinh nghiệm có thể giúp ích cho sự nghiệp hoặc công việc kinh doanh của nhau.

Vài năm trước đây, tôi từng tham gia một sự kiện được tổ chức dành riêng cho những người làm nghề sự kiện – truyền thông – marketing. Tôi có một cuộc nói chuyện khá thú vị với một đàn anh – người vừa mới thành lập một công ty sự kiện khá lớn. Nhưng tôi biết đến anh ấy không phải do công việc, vậy nên chúng tôi đã không nói gì về công việc kinh doanh cả và hai anh em trò chuyện khá vui vẻ. Sau đó, đột nhiên một đối thủ cạnh tranh của tôi tiến lại gần, bắt đầu làm quen với đàn anh này. Và tất nhiên là anh bạn đối thủ này muốn loại tôi ra khỏi cuộc nói chuyện (Trong vòng tròn 3 người, anh ta đứng quay lưng lại về phía tôi). Chưa dừng lại, anh ta tiếp tục ba hoa về mình rằng hôm nay là một dịp tốt để giới thiệu về công ty, cũng như mở ra các cơ hội hợp tác kinh doanh giữa hai bên, v.v… Tất nhiên anh ta không quên đưa card visit cho đàn anh của tôi.

Tôi hi vọng bạn đừng trở thành kiểu người như vậy.

Đừng trở thành một cá nhân sẵn sàng lờ đi tất cả những người mà bạn thấy không có khả năng trở thành khách hàng của mình. Đừng lờ đi những người non nớt mới vào nghề. Thật tiếc là rất nhiều người vẫn thường xuyên hành động như thế.

frontpage-event

Một số kinh nghiệm khi tham gia các sự kiện networking

– Không nên làm quen, gặp gỡ nhau lần đầu tiên trên bàn nhậu. (Mặc dù đây là thói quen khá phổ biến ở Việt Nam).

– Tích cực đặt ra các câu hỏi và lắng nghe người khác trình bày quan điểm của họ

– Tìm ra những mối quan tâm chung giữa bạn và đối phương. Nó sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái và có một cuộc trò chuyện vui vẻ.

– Tham gia sự kiện networking với tâm thế sẵn sàng học hỏi những điều mới.

– Giới thiệu về bản thân với những cá tính, quan điểm nghề nghiệp thú vị chứ không phải chỉ là chức danh, địa vị hiện tại của bạn.

– Không nên tỏ ra là kẻ cơ hội. Ví dụ ngay khi một khách hàng tiềm năng của bạn vừa bước vào phòng, đừng vội vã bỏ quên tất cả những người mà bạn đang nói chuyện chỉ để tiếp cận anh ta.

– Nếu bạn thấy một ai đó trong phòng đang lạc lõng hoặc không thoải mái, hãy tiến đến làm quen với họ.

– Mỉm cười và học cách giao tiếp hiệu quả bằng ánh mắt, ngôn ngữ cử chỉ. Đừng chỉ lặng lẽ di chuyển trong phòng và quan sát như thể bạn đang đi săn mồi.

– Tôn trọng và có sự đảm bảo về uy tín với những lời mình đã nói ra.

– Tận dụng các mạng xã hội cũng là cách tạo quan hệ tương tự như các sự kiện networking. Nói một cách khác, nếu ở trong một sự kiện networking, bạn sẽ không chạy vòng vòng chỉ để kể với tất cả mọi người về sản phẩm của mình và hỏi họ có muốn hợp tác kinh doanh với bạn không. Vậy thì sao bạn lại làm điều đó trên mạng xã hội? Mạng xã hội nên được dùng để kết nối với các đồng nghiệp làm trong nghề và các khách hàng tiềm năng. Một nguyên tắc khi xây dựng các kết nối online của bạn, đó là hãy tự hỏi mình xem bạn có muốn đọc nếu như những thông tin và hình ảnh đó là do người khác đăng tải hay không.

Một khi đã đề ra những nguyên tắc cơ bản trên, bạn sẽ từ từ cảm thấy thoải mái với những sự kiện networking và những buổi gặp gỡ. Chúng chỉ đơn giản là cơ hội để tiếp xúc với những người đồng nghiệp hoặc những người có quan tâm đến lĩnh vực của bạn. Thậm chí, bạn sẽ còn học được từ những người đi trước rất nhiều điều hữu ích. Networking không phải là đi vòng vòng với hi vọng lớn lao là sẽ mang về ngay được một hợp đồng béo bở nào đó. Các cơ hội kinh doanh chỉ đến khi các mối quan hệ phát triển và hai bên trở nên tin cậy nhau hơn. Và điều này tất nhiên sẽ cần đến thời gian.

(Nguồn: mastertheevent.com – Backstage Event dịch & tổng hợp)

Comments are closed.